Lợi nhuận hàng năm tới cả nghìn tỷ đồng, với “đại gia” viễn thông như Viettel, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng không phải là “chuyện nhỏ”. Đại diện của tập đoàn này phát biểu, hiện có nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn, nên mức thuế áp dụng chung cho các ngành kinh doanh là không phù hợp.

“Tiến trình cải cách thuế phải làm sớm hơn nữa”, ông nêu quan điểm. “Chúng ta cố thu được một cục to, rồi có khi để doanh nghiệp chết cả?”, vị này đặt câu hỏi với hội trường, tham dự là cán bộ tài chính của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp.

Cách áp mức thuế suất “cào bằng” 25% như hiện nay với mọi doanh nghiệp được cho là dễ dàng hơn với ngành thuế, nhưng ông cho rằng không hợp lý, nhất là trong bối cảnh tác động từ khủng hoảng kinh tế thế giới, cũng như chính sách thắt chặt tiền tệ, tài chính ở trong nước đến các doanh nghiệp không giống nhau.

Chia sẻ quan điểm này, TS. Nguyễn Thị Liên (Khoa Thuế và Hải quan - Học viện Tài chính) cho rằng, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp nên “mạnh dạn không chờ đến năm 2020 mà ngay năm 2015-2016 đã có thể giảm về mức 20%”.

Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Nguyễn Thị Cúc cho biết thêm, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam ở mức 25% như hiện nay đang ngang bằng với Trung Quốc nhưng còn cao hơn Hồng Kông, Singapore… 

Bà cho rằng, mức thuế suất hiện hành chưa thực sự tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tích tụ vốn tái đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Vị nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế này cũng ủng hộ mạnh mẽ việc giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp. 

"Giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thực ra sẽ tăng động viên cho ngân sách nhà nước, do giảm thuế chính là tạo điều kiện để doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy tái đầu tư, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh… tạo thêm nhiều lợi nhuận để nộp thuế", bà nói.

Ở một góc độ khác, đại diện của Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, điểm quan trọng không hẳn ở mức thuế suất là bao nhiều, mà còn do nhiều quy định hiện có xu hướng bỏ qua các chi phí kinh doanh hợp lý của doanh nghiệp như tiếp thị, khánh tiết… gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh.

Theo ông, chi phí tiếp khách, quảng cáo, khánh tiết, hội nghị… hiện nay đang bị bó lại với tỷ lệ 10% doanh thu. Trong khi đó, nhiều khoản chi cho dịch vụ quảng cáo liên quan đến doanh nghiệp nhà nước như các báo, đài truyền hình Trung ương… “Có thể chi phí quảng cáo lên rất cao so với doanh thu, nhưng trả cho các cơ quan truyền thông nhà nước thì sẽ trở thành doanh thu của doanh nghiệp khác, “đi đâu mà thiệt”, ông nói.

Cùng bức xúc này, đại diện Viettel nói thêm, lĩnh vực viễn thông rất khác nên nếu cứ quy định chi phí quảng cáo, tiếp thị… chỉ được trong khoảng 10% doanh thu sẽ không hợp lý. “Thực tế là năm nào chúng tôi cũng vấp cái này, bắt bẻ nhiều quá thì phải giấu, phải tính…”, ông nói thẳng.

Hay chuyện quy định ăn trưa thì không được tính vào chi phí của doanh nghiệp, trong khi ăn ca thì ngược lại được tính, vị đại diện Hiệp hội Ngân hàng cho là quá “tủn mủn”.

Cũng đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn thị Cúc nói thêm, trong thực tế có những cơ quan thuế địa phương đã không cho tính vào chi phí doanh nghiệp khoản chi cho chị em cán bộ về thăm quê Bác, hay chiếc bánh Trung Thu cho các cháu...

Rất nhiều các khoản chi, có thể ở hình thức hạch toán này là được chấp nhận, nhưng khác đi và phù hợp thực tế hơn lại không, được nhiều vị đại biểu “nhắc tên” với đại diện Bộ Tài chính tại hội nghị. 

Bà Cúc lưu ý thêm, nếu cũng là tiền học cho con, tiền thuê nhà nhưng doanh nghiệp trả hộ thì được hạch toán vào chi phí, nếu trả tiền cho người lao động để tự tìm nhà ở, trường học cho con thì lại không được tính vào chi phí, dẫn đến chưa thuận lợi và bình đẳng. “Nếu yếu tố hóa đơn, chứng từ là căn cứ tính thuế thì không nên gắn ai chi trả”, bà nói.

Hay với trường hợp doanh nghiệp vay vốn kinh doanh của cá nhân, tổ chức không phải ngân hàng, theo quy định hiện nay chỉ được hạch toán chi phí lãi vay bằng 150% so với lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước là không còn hợp lý…

Một đại diện từ Hiệu hội Thức ăn chăn nuôi thì lên tiếng về chênh lệch tỷ giá tính vào chi phí. Theo ông, thực tế là doanh nghiệp ngành này một năm nhập khẩu khoảng 7,5 triệu tấn nguyên liệu với trị giá khoảng 3 tỷ USD, nhưng không được mua ngoại tệ từ ngân hàng.

Khoản chênh lệch giá giữa tỷ giá niêm yết chính thức và chi phí thực tế, doanh nghiệp không biết hạch toán vào đâu, cuối cùng buộc phải “biến báo” làm méo mó tình hình tài chính và hạch toán kế toán, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Những quy định quá khác biệt giữa hạch toán kế toán và thuế thu nhập doanh nghiệp, trên cả góc độ chi phí tính thuế, thuế suất… vẫn đang tồn tại, làm khó cho doanh nghiệp. 

Vị đại diện Hiệp hội Ngân hàng cho rằng vấn đề đã được bàn từ năm 2007, trước khi ban hành Nghị định 124 (Nghị định 124/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp), nhưng đến nay vẫn được bàn “như mới”.

Theo ông, do các quy định về các khoản chi được hạch toán vào chi phí doanh nghiệp hiện nay không rõ ràng nên nhiều doanh nghiệp, tiếng là lãi và phải nộp thuế thu nhập, nhưng thực tế là lỗ khi đã “trót” chi cho ăn trưa công nhân thay vì… ăn ca vào buổi trưa, hay quảng cáo xúc tiến bán hàng, hoặc các khoản chi cho hoạt động đoàn thể trong doanh nghiệp… 

“Thực tế là có lãi đâu, nhưng theo quy định thì vẫn là lãi và phải nộp thuế”, ông cho biết.

Cho nên, với tinh thần làm luật khoa học hơn của Bộ Tài chính đã nhận được nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp. Sự đảo ngược quy trình, bắt đầu từ lấy ý kiến doanh nghiệp rồi mới bắt tay vào soạn thảo là một cách làm mới. 

Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Nguyễn Văn Phụng cho biết, những ý kiến của doanh nghiệp sẽ được thu thập để chuẩn bị cho việc sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp vào năm 2013. Ý kiến đóng góp của doanh nghiệp có thể chuyển trực tiếp đến Bộ Tài chính, thông qua cổng thông tin điện tử www.mof.gov.vn.

Tin tức & Sự kiện khác